Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Đẩy gậy




Đẩy gậy vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống, thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, trong những ngày Tết, ngày Hội văn hoá - thể thao…Vào những dịp này, Đẩy gậy đã tạo nên vẻ đẹp mang đậm màu sắc dân tộc và là hình ảnh đặc trưng của lễ hội miền núi. Môn thể thao này phù hợp với tố chất của đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào TDTT, làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần ở thôn- bản. Ở đâu có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì ở đó- môn thể thao này được phát triển mạnh hơn.
Để tổ chức thi đấu môn Đẩy gậy chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng tre già (tre đực) thẳng hay những thành gỗ tốt có chiều dài 2m, đường kính từ 4- 5cm, được sơn 2 màu đỏ và trắng (mỗi màu 1m); đầu và thân gậy phải được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau. Sân thi đấu là một vòng tròn có đường kính 5m, vạch giới hạn rộng 5 cm nằm trong phạm vi của sân có màu trắng hoặc khác với màu nền sân! Sau khi các VĐV đã hoàn tất thủ tục chuẩn bị thi đấu, trọng tài chính dùng khẩu lệnh “cầm gậy”, các VĐV mới được phép cầm gậy theo quy định của luật; trọng tài chính một tay cầm chính giữa gậy, khi các VĐV đã ở tư thế sẵn sàng, đúng luật, hô dự lệnh “chuẩn bị”, sau đó thổi một hồi còi phát lệnh cho hiệp đấu bắt đầu, đồng thời buông tay cầm gậy ra. Theo quy định luật chơi, bên nào chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Mỗi cuộc thi đẩy gậy thường diễn ra trong 2- 3 hiệp. Khi kết thúc trận đấu, trọng tài chính và 2 VĐV mặt hướng về BTC, trọng tài chính hai tay cầm tay 2 VĐV, giơ tay VĐV thắng cuộc lên cao, sau đó các VĐV rời sân.
Đẩy gậy là môn thể thao cần đến sức khoẻ và sự khéo léo của VĐV. Tuy cần nhiều sức mạnh nhưng để thắng được đối thủ, người chơi cũng cần có kỹ- chiến thuật, sự khéo léo, dẻo dai và tâm lý thi đấu ổn định. Đã có không ít những VĐV “thấp bé nhẹ cân” mà thắng được nhiều đối thủ “to con” hơn mình! Người chơi “cao thủ” là người luôn giữ được bình tĩnh, ghìm đầu gậy bên phần mình xuống và đẩy đầu gậy của đối phương lên cao để tạo đà cho mình có cơ hội chiến thắng đối phương. Có những cuộc đẩy gậy giữa những “cao thủ” ngang tài, ngang sức, giằng co không phân thắng bại. Lại có những cặp chỉ ngay sau cái phất tay của trọng tài, đấu thủ đã bay vèo ra khỏi vòng, khiến người xem càng cảm thấy thích thú. Không chỉ những người trực tiếp tham gia chơi mà ngay chính khán giả cũng có những diễn biến tâm trạng theo từng hiệp đấu, lúc thì xuýt xoa tiếc rẻ, lúc lại reo lên sảng khoái, xen lẫn tiếng trống khi đổ dồn dập… Nhưng thắng- thua cũng chỉ là góp vui cho ngày hội! Sau cuộc đấu các đối thủ lại khoác tay nhau, cùng nâng chén rượu, tấm tắc khen tài nhau, nhiều khi nhờ đó mà thêm bạn, thêm bè…
Hiện nay, không chỉ dừng lại ở trò chơi môn Đẩy gậy đã được đưa vào thi đấu mang tính chuyên nghiệp trong các cuộc thi thể thao. Là một môn thể thao dân tộc được phát triển trong thời gian gần đây, Đẩy gậy đã chính thức là 1 trong số 40 môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI- năm 2010, đánh dấu bước ngoặt phát triển cho môn thể thao dân tộc này!      

2 nhận xét: